Lĩnh vực: Phát triển tình cảm kĩ năng xã hội
Kỹ năng sống: Bé làm gì khi có cháy xảy ra
Độ tuổi: 5-6 tuổi
- Mục đích- yêu cầu:
- Kiến thức:
– Biết và nói được nguyên nhân sảy ra cháy
– Nhớ số điện thoại báo cháy 114.
– Biết một số cách xử lí khi có cháy xảy ra và thực hiện được một số kỹ năng phòng tránh khi có cháy
- Kĩ năng:
– Biết hét to và gọi người lớn khi có cháy
– Lấy khăn ẩm, những vật dụng bằng vải nhúng nước ẩm để che mũi miệng, đi khom lưng hoặc bò thấp người tránh khỏi khí độc di chuyển nhanh ra ngoài
– Lăn người khi bị lửa bén vào người.
- Thái độ
– Có ý thức trong việc phòng cháy chữa cháy, biết tránh xa những nơi nguy hiểm
– Hứng thú tham gia vào hoạt động.
- Chuẩn bị:
* Đồ dùng của cô
– Video.
– Máy tính, bài giảng….
– Khăn ẩm
– Trang phục chú lính cứu hoả
* Đồ dùng của trẻ
– Khăn ẩm, chậu, Sắc xô
- Tiến hành.
- Hoạt động 1. Ổn định – Gây hứng thú.
– Cô đóng giả làm chú cứu hỏa cầm bình chữa cháy đi vào và nói: Chú chào tất cả các con.
+ Các con có biết chú là ai không?
+ Tại sao các bạn biết chú làm nghề lính cứu hỏa?
Các bạn ạ! Thời gian gần đây xảy ra rất nhiều vụ cháy gây ra thiệt hại rất nghiêm trọng. Hôm nay chú đến đây chú sẽ dạy cho các con kỹ năng thoát hiểm khi có cháy xảy ra nhé.
Và tới dự với chúng mình còn có các cô trong ban giám hiệu nhà trường đấy. Chúng mình hãy chào đón các cô nào.
– Chú thấy các con rất giỏi. Chú tặng cho các bạn nhỏ 1 video rất hay nói về các bạn nhỏ đấy, không biết chuyện gì đã xảy ra với bạn nhỏ. Các con hãy cùng chú ý lên đây và xem nhé.
– Cô mở video cho trẻ xem. Sau đó đặt câu hỏi cho trẻ trả lời:
+ Các bạn đang chơi đã phát hiện ra điều gì?
+ Các bạn đã làm gì khi nhà bị cháy?
=>Những vụ cháy đến từ nhiều nguyên nhân khác nhau và rất nguy hiểm đấy. Vậy bây giờ để biết các vụ cháy xảy ra nguy hiểm như thế nào bây giờ chú mời các con hãy cùng quan sát một số nguyên nhân gây ra cháy nhé
- Hoạt động 2. : Trò chuyện về nguyên nhân gây ra cháy.
– Các con vừa được xem video có những hình ảnh gì? (lửa cháy, …)
– Có những nguyên nhân nào gây ra cháy?
+ Những thiệt hại do đám cháy gây nên ? (Cho trẻ quan sát các hậu quả của cháy)
=>Các con ạ khi có cháy xảy ra gây ra rất nhiều tổn thất về người và tài sản, nguyên nhân xảy ra các vụ cháy là do chập điện, quên tắt bếp ga, bếp củi không dập lửa, hút thuốc lá, …Hiện nay công tác phòng cháy chữa cháy rất quan trọng và mỗi chúng ta hãy tự trang bị cho mình những kỹ năng thật tốt để thoát ra nơi có cháy. Hôm nay chú đến đây sẽ hướng dẫn chúng mình kỹ năng thoát hiểm khỏi nơi có cháy xảy ra nhé.
- Hướng dẫn một số kỹ năng thoát hiểm khi có cháy xảy ra.
*Kêu cứu:
– Con sẽ làm gì khi có cháy xảy ra? Mời 1 – 2 trẻ trả lời.
=> Khi có cháy xảy ra việc đầu tiên là phải thật bình tĩnh nếu là đám cháy nhỏ thì các con chạy thật nhanh ra ngoài, xa khỏi nơi có đám cháy. Còn nếu đám cháy lớn thì các con phải kêu cứu để báo cho mọi người biết.
+ Dấu hiệu nào để nhận biết là có cháy?
– Các con đã biết kêu cứu thế nào chưa?
Cô giáo làm mẫu hô: “Cháy rồi! Cháy rồi! Cứu với!”
– Cho cả lớp tập luyện, cá nhân, cả lớp.
Khi thoát được ra ngoài thì các con hãy nhờ người lớn gọi tới số cứu hỏa.
+ Gọi các chú lính cứu hỏa các con bấm số nào?
Cho 1 số trẻ nhắc lại số điện thoại: 114.
=>Giáo dục: Cháy vô cùng nguy hiểm, để không xảy ra các vụ cháy các con tuyệt đối không được nghịch điện, không chọc vào ổ điện, không vừa sạc vừa xem điện thoại, không nghịch điện, bật lửa hay các chất gây cháy nhé các con nhớ chưa.
*Lăn người dập lửa khi bị lửa bén vào người.
– Theo các con nếu bị lửa bén vào người các con phải làm thế nào?
Cô hỏi ý kiến 2 – 3 trẻ.
Các con ạ! Khi bị lửa bén vào người, các con tuyệt đối không được chạy vì chạy sẽ làm ngọn lửa bùng cháy to hơn. Hãy dừng lại, nằm xuống và lăn tròn cho đến khi lửa bị dập tắt.
– Để cho tất cả các bạn biết cách lăn người khi bị lửa bén vào người bây giờ các con hãy chú ý quan sát chú làm mẫu nhé.
– Cô hướng dẫn trẻ kỹ thuật lăn người.
– Cho 1 trẻ lên thực hiện cho cả lớp quan sát? (Hiệu lệnh: Lửa bén vào người)
– Cho cả lớp thực hiện sau đó nhận xét, động viên
*Lấy khăn ẩm, bịt miệng, đi khom lưng hoặc bò thấp người tránh khói độc.
– Để không hít phải khí độc theo các con chúng mình cần làm gì?
– Cô thực hiện kỹ năng cho trẻ quan sát và hỏi trẻ.
(Cho tiếng còi báo cháy, chú lính cứu hỏa thực hành lấy khăn ẩm che mũi miệng và đi khom lưng di chuyển nhanh ra lối thoát hiểm nơi có ánh sáng)
+ Chú vừa thực hiện kỹ năng gì? Chú che miệng như thế nào?
+ Nếu trong trường hợp không có khăn ẩm theo các con phải làm thế nào?
À nếu như không có khăn ẩm thì các con tìm những vật dụng bằng vải có ở gần mình nhất để các con sử dụng như là mũ, rẻ nếu như ở gần chỗ có nước thì các con hãy nhúng những vật bằng vải vào nước để làm ẩm rồi nhanh chóng che kín miệng để tránh hít phải khí độc nhé
– Chú vừa hướng dẫn kĩ năng đi khom lưng dùng khăn ẩm che kín miệng di chuyển nhanh đi ra nơi lối thoát hiểm nơi có ánh sáng. Đây là trường hợp chưa có khói còn đám cháy có nhiều khói các con phải bò sát đất dùng khăn ẩm che kín miệng men theo chân tường di chuyển thật nhanh ra chỗ cửa thoát hiểm hoặc nơi có ánh sáng các con nhớ chưa?
+ Vậy ở kĩ năng này bạn nào có thể thực hiện cho chú và các bạn cùng xem nào?
+ Bạn đã thực hiện đúng chưa?
– Chú xin được cảm ơn con và say đây chú sẽ thực hiện cho các con xem nhé
=>Cô chốt lại: Khi có cháy xảy ra lấy khăn ẩm hoặc đồ dùng bằng vải ở nơi gần nhất che mũi, miệng để tránh khói, đi khom lưng hoặc bò thấp người để di chuyển ra ngoài lối thoát hiểm. Tuyệt đối không được quay lại nơi có đám cháy.
– Lần 1: Sau đây chú xin mời các con thực hiện kĩ năng này nhé chúng ta sẽ thực hiện hai kĩ năng đầu tiên đi khom lưng, tiếp theo bò sát đất theo vòng tròn
– Lần 2: Chú xin mời các con hãy lắng nghe tiếng còi báo động chúng sẽ thực hiện kĩ năng đi khom lưng, bò sát đất men theo bờ tường nhé
=> Giáo dục trẻ: Khi ở chỗ đông người có đám cháy cần bình tĩnh không xô đẩy nhau khi di chuyển, giúp đỡ bạn khi cần.
* Các con ạ ngoài tai nạn do cháy ra trong cuộc sống hàng ngày chúng ta còn có những nơi nguy hiểm ao hồ sông suối khi các con chơi gần những nơi đó sẽ bị đuối nước, chơi nghịch điện thì sẽ bị điện giật, chơi với những vật sắc nhọn sẽ làm mình bị thương vậy tuyệt đối các con hãy trách xa những nơi nguy hiểm đó nhé
- Hoạt động 3: Luyện tập củng cố:
– Trò chơi: “Đội nào nhanh”
+ Cách chơi: Chia trẻ thành 3 đội chơi ngồi thành vòng tròn, cô đọc câu hỏi trên màn hình và 3 đội sẽ thảo luận, sau thời gian thảo luận đội nào lắc xắc xô nhanh nhất đội đó dành quyền trả lời. Trả lời đúng nhận được một bông hoa. Trò chơi kết thúc đội nào được nhiều hoa nhất đội là đội về nhất
+ Luật chơi: Chỉ được trả lời câu hỏi khi thời gian suy nghĩ kết thúc.
Cô tổ chức cho trẻ chơi
Cô nhận xét kết quả của 3 đội chơi, tuyên dương và khen ngợi trẻ.
- Hoạt động 4: Kết thúc
– Nhận xét và khen trẻ